Với sự đổi mới mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng giao thông, Phú Thọ đang vươn mình trở thành một trung tâm công nghiệp mới ở nơi cửa ngõ của vùng Tây Bắc.
Xác định tạo mặt bằng sạch là một trong những yếu tố then chốt trong thu hút đầu tư, những năm qua, tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2021-2023, tỉnh đã thu hút 478 dự án đầu tư tư nhân (DDI), vốn đăng ký 56,9 nghìn tỷ đồng, 78 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đăng ký ước đạt 2.126 triệu USD; quy mô bình quân một dự án DDI trên 188 tỷ đồng, tăng 27,7 tỷ đồng, bình quân một dự án FDI gần 60 triệu USD, tăng 50,4 triệu USD so giai đoạn trước.
KCN Phú Hà, thị xã Phú Thọ hiện thu hút được 25 doanh nghiệp FDI đầu tư và đang hoạt động với tổng số vốn lên tới gần 830 triệu USD.
Không chỉ tăng về số lượng vốn đầu tư, việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn có sự thay đổi về “chất”. Các KCN, CCN đều được bố trí ở nơi có giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường thủy và đường sắt. Do đó, nhiều nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Ấn Độ… với các lĩnh vực đầu tư như linh kiện điện tử, công nghiệp dệt may, sản xuất bao bì, hạt nhựa, chế biến thực phẩm đã “rót vốn” vào Phú Thọ.
Tỉnh xác định sẽ phát triển các KCN đồng bộ, hiện đại với quy mô phù hợp theo từng giai đoạn, với quy hoạch sử dụng đất phát triển hạ tầng cơ sở trọng điểm vào khu vực có tiềm năng thu hút đầu tư, nhằm thu hút vốn, công nghệ, giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường; gắn sản xuất với thị trường và vùng nguyên liệu. Theo báo cáo của Sở Công thương, có 9 nhóm dự án đã xây dựng cơ bản hoàn thiện hạ tầng và thu hút đạt tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp cao gồm các CCN: Bãi Ba – Đông Thành, Nam Thanh Ba, Hoàng Xá, Hợp Hải- Kinh Kệ, thị trấn Yên Lập, Bạch Hạc, Tử Đà, Thanh Minh.
Đồng chí Trịnh Thế Truyền – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Phú Thọ tiếp tục quán triệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; trong đó chú trọng hoàn thành và hoàn thành vượt các mục tiêu: Tăng trưởng kinh tế đạt từ 7,5% trở lên; thu hút vốn đầu tư từ 100 nghìn tỷ đồng…
Công ty TNHH Sunrise Công Nghiệp Việt Nam, KCN Cẩm Khê đi vào hoạt động tạo việc làm cho gần 2.000 lao động.
Phú Thọ cũng quyết liệt thực hiện hoàn thành các công trình hạ tầng trọng điểm; trong đó tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư khởi công thêm 2 KCN Tam Nông, Hạ Hòa; hoàn thành KCN Phú Hà giai đoạn 1 và khởi công giai đoạn 2 KCN Phú Hà, Cẩm Khê.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ hạ tầng các CCN Bắc Lâm Thao, Vạn Xuân, Thục Luyện; khởi công các CCN Đồng Phì, Tam Nông, Nam Đoan Hùng, Phú Hộ, Quảng Yên… để thu hút dự án đầu tư.
Công nhân lao động tại Công ty TNHH Seshin Việt Nam, KCN Thụy Vân, TP Việt Trì.
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu đã khẳng định: Phú Thọ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để đón các dự án, nhà đầu tư có công nghệ cao; dự án điện tử, bán dẫn; các dự án tạo giá trị gia tăng cao và mô hình quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; lấy chất lượng, hiệu quả công nghệ và bảo vệ tài nguyên môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác phát triển các KCN, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo đột phát trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư… Qua đó, tạo tiền đề để Phú Thọ “cất cánh” thành thủ phủ công nghiệp của mới của miền Bắc.